Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra để giảm nợ kéo dài

30/03/2023 07:48 AM


Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì công tác hậu kiểm, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

 

Các doanh nghiệp xây dựng còn gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh Covid-19

Thực tế những năm gần đây, kết quả đạt được từ công tác hậu kiểm, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, củng cố niềm tin về các chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bước sang thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023 ngành BHXH và các địa phương gặp không ít khó khăn. Trong đó, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng cao, chiếm 6,68% tổng số thu, cao hơn 2,51% so với mức phấn đấu giảm nợ quý I/2023. Trong đó, nợ kéo dài 85.253 triệu đồng, chiếm 42,6% tổng nợ; nợ khó thu 9.161 triệu đồng; nợ đọng, nợ chậm đóng là 37.470 triệu đồng, chiếm 18,7% trong tổng nợ; nợ BHYT là 61.638 triệu đồng, chiếm 30,8% tổng số nợ.

Số tiền nợ bảo hiểm cao, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ, chế biến hải sản, xây dựng, may mặc, giáo dục dân lập; một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí hoạt động…bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chưa khắc phục được số tiền nợ phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh; tiếp tục để nợ kéo dài, với số tiền nợ lớn; nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt là ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý kịp thời.

Cùng với việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ, cơ quan BHXH luôn chú trọng công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành để ngăn chặn tình trạng chậm đóng BHXH và thu hồi nợ. Trong những tháng đầu năm 2023, cơ quan BHXH đã gửi thông báo đến tất cả đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) đang tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh (8.135 đơn vị). Đối với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên tổ chức đôn đốc 243 đơn vị, thu nợ trực tiếp tại đơn vị, làm việc lập biên bản với 135 đơn vị SDLĐ, với số tiền các đơn vị thu sau đôn đốc 3.764 triệu đồng; thực hiện công tác hậu kiểm (kiểm tra hồ sơ đóng BHXH, BHYT, BHTN) tại 52 đơn vị SDLĐ. Mặt khác, tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN 13 đơn vị, (thanh tra đột xuất 4 đơn vị nợ kéo dài).

Qua thanh tra đã phát hiện và yêu cầu đơn vị khắc phục tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 27.958 triệu đồng (trong đó, số tiền chậm đóng năm 2022 chuyển sang là 25.869 triệu đồng); đôn đốc thu được 1008,4 triệu đồng tiền nợ; yêu cầu các đơn vị điều chỉnh giảm đóng cho 4 lao động do đóng sai đối tượng. Cơ quan BHXH đã ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 01 quyết định xử phạt VPHC với số tiền xử phạt 182,8 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Giám đốc BHXH tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thu và đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác hậu kiểm; rà soát danh sách người được ngân sách nhà nước đóng BHYT chưa được cấp thẻ để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời. Phối hợp với Tổ công tác Liên ngành huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập hồ sơ các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Tổ chức hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT; theo dõi, xử lý kết luận sau thanh tra, kiểm tra nhằm thu hồi nợ có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

N.H