Cầm cố, mua bán sổ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động

18/05/2023 07:56 AM


Trên thực tế, hiện nay có không ít người lao động cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội ( BHXH) dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần hoặc thậm chí không có ủy quyền. Việc này dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố...

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già.

Việc cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, của tổ chức, cá nhân nhận sổ BHXH để cầm cố cũng như ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp có người tham gia BHXH. Theo khoản 2 Điều 46 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 ( Được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) trường hợp người lao động mua bán, cầm cố sổ BHXH của mình sẽ không thuộc trường hợp được cấp lại sổ BHXH. Trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố cho tổ chức, cá nhân, sau đó đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp lại với lý do bị mất sổ, hỏng… nếu cơ quan  Bảo hiểm xã hội phát hiện thì người lao động đó sẽ bị phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1, Điều 40, Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ.

  Khi cá nhân hay tổ chức nhận cầm cố, mua bán sổ BHXH cũng không thể dùng sổ BHXH đó để nhận thay chế độ BHXH một lần. Theo Luật Bảo hiểm xã hội  và các văn bản hướng dẫn Luật quy định, sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu tham gia BHXH thì mới được giải quyết các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.  Khi cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ BHXH cho người lao động phải căn cứ theo dữ liệu về quá trình đóng BHXH của họ trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ một lần, không thể giải quyết trùng lần nữa được. Nếu cá nhân hay tổ chức không được người lao động ủy quyền theo luật định thì cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể giải quyết chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động cho tổ chức, cá nhân đã cầm cố sổ BHXH của người đó. Hơn nữa, trường hợp người người lao động tham gia BHXH nếu không may gặp rủi ro, trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng.

Trước thực trạng cầm cố, mua bán sổ BHXH như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet. Đồng thời, tiếp tục cảnh báo tới người dân, người lao động nêu cao cảnh giác để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh chính đáng cho bản thân mình và kịp thời phát hiện, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan công an để xử lý theo quy định.

BHXH tỉnh Bình Thuận, luôn tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Cụ thể: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của người lao động, BHXH tỉnh luôn kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ BHXH, bảo đảm các thông tin của người hưởng thống nhất. Đồng thời, kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Đặc biệt, BHXH Bình Thuận luôn đối chiếu, bảo đảm đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần, bảo đảm trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp…

 

Phương Danh