Lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá uy tín cán bộ

18/07/2023 09:10 AM


Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo đó, ngày 06/6/2023 Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành hướng dẫn số 606-HD/BCSĐ thực hiện quy định số 96-QĐ/TW. Ngày 03/7/2023, BHXH tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch số 1158-KH-BHXH về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo BHXH tỉnh trên cơ sở căn cứ HD số 606-HD/BCSĐ của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, với mục đích là thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý BHXH tỉnh Bình Thuận có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, cũng là để đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ lãnh đạo; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác.

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào việc đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan, tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách…

Kết quả phiếu tín nhiệm định kỳ được sử dụng để đánh giá cán bộ và làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm cán bộ. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo là để đánh giá đúng thực chất vai trò, trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành và uy tín của từng cá nhân khi dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” của tổ chức, tập thể và nhân dân./.                                                                      

Hoàng Nhân