Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động ổn định cuộc sống
14/09/2023 07:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được một phần chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Lao động trẻ học nghề hớt tóc
Hậu dịch bệnh Covid-19, đang làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của ngành may mặc, giày da, thủy sản, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… nên các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được một phần chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới. Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà hàng ngàn người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng. Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Còn với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng BHTN: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Trên địa bàn Bình Thuận, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nhiều nên số lượng lao động tham gia đóng BHTN còn ít. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 676.877 người trong độ tuổi lao động, nhưng tỷ lệ tham gia BHTN mới đạt 12,83% lực lượng lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2023 có 7.818 người nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 3,1% (tăng 237 người) so với cùng kỳ 2022 (riêng tháng 8/2023 có 1.132 người nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp). Nguyên nhân chính khiến người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng là do doanh nghiệp, đơn vị giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; hết hạn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc; chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trước thời hạn; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải…Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác đó là do người lao động chuyển sang làm việc ở lĩnh vực mới hoặc chuyển sang cộng việc mới, hoặc cũng có những doanh nghiệp các tháng đầu năm gặp khó khăn nên giảm thời gian làm việc, giãn việc. Khi họ áp dụng hình thức này thì nhiều lao động bị giảm thu nhập nên đã xin nghỉ việc. Cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cũng rất rõ rệt. “Người lao động ưa thích tìm kiếm những công việc linh hoạt, bán thời gian, với nhiều ngành nghề, thu nhập ổn định”. Số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ, đó cũng là nguy cơ báo hiệu thực trạng khó khăn của doanh nghiệp và sự đi xuống của thị trường lao động. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chậm đóng BHTN với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặt khác, một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, chưa kịp thời đóng tiền phát sinh hàng tháng (số tiền chậm đóng dưới 3 tháng chiếm 15,3% số tiền phải thu).
Mặc dù hiện nay chính sách BHTN bao gồm 4 chế độ là: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, song trợ cấp thất nghiệp là chế độ được người lao động quan tâm nhiều nhất. Để chính sách BHTN phát huy hiệu quả hơn, người lao động mong muốn giảm mức đóng BHTN; mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền lợi như: Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Mặt khác, người lao động cũng mong muốn nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp; bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm do thiên tai, dịch bệnh.
N. Bảo
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?