Đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT
22/05/2024 07:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các cơ sở KCB thường xuyên được củng cố, đầu tư trang thiết bị , nguồn nhân lực, không ngừng nâng cao chất lượng KCB BHYT
Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, những năm qua ngành Y tế tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm nâng cao chất lượng KCB BHYT; thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; sắp xếp lại khoa phòng, xây dựng phong cách, thái độ phục vụ thân thiện theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo".
BS. Lê Văn Huỳnh- Giám đốc Bệnh viện đa khoa phía Nam cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng KCB để người bệnh được thụ hưởng tốt nhất chính sách ưu việt về BHYT, bệnh viện thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn và y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường quản lý tuân thủ phác đồ điều trị và quản lý kê đơn; công khai, minh bạch quy trình KCB BHYT, chi phí KCB... Qua đó, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng cao của Nhân dân và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bệnh nhân Ngô Thị Hạnh, 62 tuổi ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh đến khám, điều trị bệnh tăng huyết áp chia sẻ: Tại bệnh viện các bác sĩ, điều dưỡng phục vụ tận tình, chu đáo. Khi khám bệnh, thủ tục rất nhanh, người bệnh không phải chờ đợi lâu. Khi nhập viện điều trị mọi chi phí thuốc men đều được BHYT chi trả nên tôi rất yên tâm điều trị bệnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 125 cơ sở y tế nhà nước và 10 cơ sở y tế tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người bệnh sử dụng thẻ BHYT, ngành y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao. Tăng cường các loại hình đào tạo bác sĩ (đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, đào tạo sau đại học); tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, ngành y tế tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; từng bước cải tiến thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB, chuyển tuyến KCB. Thực hiện đầy đủ các quyền của người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT và thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy trình khám bệnh. Bố trí cán bộ tiếp đón và hướng dẫn người bệnh có thẻ BHYT từ khi đến KCB đến khi ra viện, bảo đảm hợp lý, giảm thủ tục, không gây phiền hà cho người bệnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong KCB, đặc biệt tại tuyến xã, cung cấp thông tin kịp thời, với độ tin cậy cao cho công tác quản lý BHYT ở các cấp (100% trạm y tế tuyến xã sử dụng phần mềm KCB); quyền lợi bệnh nhân BHYT được đảm bảo, công khai, minh bạch số liệu. Đồng thời tiếp tục nâng cao y đức, thái độ chăm sóc người bệnh; cụ thể hóa các tiêu chuẩn về giao tiếp ứng xử phù hợp từng bệnh viện. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng tại các tuyến.
Các cơ sở KCB BHYT đã thực hiện ứng dụng CNTT rút ngắn thời gian KCB. Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp dịch vụ KCB kịp thời và có chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT, Sở Y tế phối hợp với cơ quan BHXH và các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở KCB, chấn chỉnh kịp thời các sai sót và có hình thức xử lý nghiêm các cá nhân, bộ phận khi phát hiện sai phạm, nhất là trong việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...Với nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng KCB BHYT ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2022 toàn tỉnh có hơn 1,8 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT, thì đến năm 2023 có hơn 2,1 triệu lượt người. Chi phí KCB BHYT năm 2022 là 693,7 tỷ đồng, năm 2023 hơn 789,1 tỷ đồng.
Tiến sĩ Đặng Thức Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế, cho biết, những kết quả đạt được trong công tác KCB BHYT thời gian qua là nhờ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh luôn chỉ đạo sâu sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, đã giúp ngành y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các cơ sở KCB, đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân. Tại các cơ sở y tế, quy trình KCB nói chung, nhất là KCB BHYT được cải thiện, không chỉ bảo đảm quyền lợi mà còn tạo niềm tin đối với người dân có thẻ BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị trực thuộc ngành y tế luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT kết nối liên thông điện tử dữ liệu BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh toán và giám định BHYT, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Thời gian tới, ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội tiếp tục tổ chức tốt công tác KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT; quản lý có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở KCB, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT được Chính phủ giao, đáp ứng yêu cầu KCB BHYT và tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh..., góp phần đưa tỉnh Bình Thuận hoàn thành mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số trong năm 2025.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?