Tỷ lệ đồng bộ Căn cước công dân/Định danh cá nhân với thẻ BHYT đã đạt 94%
21/08/2024 07:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế vừa có Công văn số 4742/BYT-VPB1 gửi Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, liên quan đến việc định danh công dân (ĐDCN) trong KCB và liên thông dữ liệu, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đạt 93,35%, mỗi năm có tới 170 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, trong đó KCB BHYT chiếm 60%; 17 triệu lượt điều trị nội trú, trong đó người bệnh BHYT chiếm 80%. Dữ liệu KCB BHYT phục vụ thanh quyết toán và một số loại giấy tờ phục vụ DVC trực tuyến như Giấy khám sức khoẻ lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử đã được liên thông thường quy qua hạ tầng CNTT của BHXH Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay, có khoảng 84,7 triệu thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã được cấp cho 100% công dân Việt Nam đủ điều kiện; đã cấp 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp nhiều loại giấy tờ, dịch vụ như: Giấy phép lái xe, thẻ BHYT, thông tin BHXH, thông tin cư trú của công dân. Đáng chú ý, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến nay tỷ lệ đồng bộ giữa CCCD/ĐDCN với thẻ BHYT đạt tỷ lệ 94%.
Đây là tiền đề quan trọng cho việc tích hợp dữ liệu KCB của người dân từ các cơ sở KCB khác nhau dựa trên số ĐDCN và CCCD hình thành Sổ Sức khoẻ điện tử cho toàn dân, mở ra một chương mới cho kỷ nguyên chuyển đổi số trong KCB và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. “Để đạt được những nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Công an tích hợp dữ liệu người dân có sổ KCB điện tử với ứng dụng định danh điện tử nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ dân số có sổ KCB điện tử thông qua việc triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh và hệ thống y tế”- Bộ Y tế khẳng định.
Về kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế tại các BV công lập, Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở KCB và ngoài thị trường bán lẻ. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu như: Albumin, Globulin...
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...). Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố BAT, huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu, vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Ngày 27/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Bộ Y tế thấy rằng, việc ban hành Thông tư hướng dẫn đối với Nghị định số 24/2024/NĐ-CP là vô cùng cần thiết, để các đơn vị, địa phương có cơ sở pháp lý trong thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm.
Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các BV; triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như: Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp Giấy đăng ký lưu hành; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng. Việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB của nhân dân.
Nguyệt Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?