Phát triển BHYT tự đóng- vượt nhiều thách thức

18/02/2025 03:31 PM


Anh Nguyễn Văn B. (Hà Nội) là lao động tự do, chủ yếu lái xe tự chế chở vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu khu vực gần nhà. Các năm trước, vợ anh đều chủ động tham gia BHYT cho cả nhà. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, do vợ anh phải đi làm xa nên cũng quên luôn chuyện đóng BHYT khi đến hạn.

Tháng 7/2024 vừa qua, trong một lần chở vật liệu, thật không may, chiếc xe nặng bị lật nhào khi vào cua gấp lúc xuống dốc; đầu xe đè lên phần thân dưới của anh B. Tai nạn nghiêm trọng, anh được đưa đi cấp cứu ngay tại BV huyện. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy xương đùi trái bị gãy thành nhiều khúc, khá phức tạp, kèm theo đó là phần da đùi cũng bị bỏng do nước làm mát từ xe đổ vào. Chấn thương nặng, vượt quá khả năng xử lý của BV huyện, anh B. được tức tốc điều trị tại BV đa khoa Xanh Pôn.

Ca phẫu thuật và khoảng hơn 1 tuần điều trị khiến anh B. phải thanh toán hơn 40 triệu đồng; chưa kể chi phí thuê xe vận chuyển và người nhà phải đi lại chăm sóc và ăn uống trong những ngày nằm viện. Thêm vài tháng nằm nhà an dưỡng, anh B. bắt đầu lo việc đóng BHYT cho bản thân và có lẽ sẽ không bao giờ quên việc gia hạn thẻ vào năm tiếp theo.

Câu chuyện như của anh B. không phải là cá biệt. Rất nhiều người đã từng được người thân tham gia BHYT trước đó nhưng vì cậy khoẻ mạnh, chẳng mấy khi phải đi tới BV, cùng lắm mua vài viên thuốc cảm cúm qua loa, nên xem thường giá trị của thẻ BHYT. Ngay cả khi được người nhà hay cán bộ cơ quan BHXH/tổ chức dịch vụ thu vận động tham gia hay nhắc nhở gia hạn thẻ… thì vẫn rất chủ quan, bỏ qua.

Một ngày công lao động của những người như anh B. sẽ dao động từ 300.000 - 500.000 đồng. Tất nhiên là không phải ngày nào cũng có việc, nhưng tính đơn giản nhất, trung bình mỗi tháng có thu nhập từ 8-9 triệu đồng. Mức đóng 1 năm BHYT cho 1 người như anh B. hay thậm chí là đóng cho cả nhà thực sự không phải là vấn đề quá lớn. Việc anh B. không có BHYT, đơn giản chỉ vì không mấy quan tâm, chủ quan! Đây cũng là một thực tế cho thấy những khó khăn rất lớn trong quá trình vận động người dân tham gia BHYT ở các địa phương. Vì tính chất công việc của họ, việc tiếp cận và tuyên truyền vận động với những NLĐ tự do, nông dân… không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Chính sách BHYT chính thức được triển khai ở nước ta từ năm 1992 theo Điều lệ BHYT được ban hành theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của HĐBT (nay là Chính phủ). Ngoài nhóm tham gia theo diện bắt buộc (gồm cán bộ, công nhân viên chức tại chức và hưu trí ở các đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, NLĐ khu vực sản xuất kinh doanh), các đối tượng khác sẽ tham gia BHYT theo khả năng, nhu cầu tự nguyện và được gọi là BHYT tự nguyện hoặc nhân đạo.

Theo Luật BHYT năm 2008, khái niệm BHYT tự nguyện chính thức được luật hoá. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định lại các đối tượng tham gia BHYT thành 5 nhóm, theo đó nhóm BHYT tự nguyện được gọi là BHYT hộ gia đình với quy định bắt buộc tham gia với tất cả các thành viên trong hộ, mức đóng sẽ được giảm dần từ thành viên thứ 2 trở đi.

Mặc dù Luật BHYT năm 2014 đã quy định BHYT là hình thức bắt buộc phải tham gia nhưng lại chưa có chế tài xử phạt với nhưng trường hợp không tham gia. Trên thực tế, việc tham gia BHYT hộ gia đình vẫn cơ bản theo cơ chế tự nguyện là chính; cơ quan BHXH vẫn phải tuyên truyền vận động, từng bước nâng cao nhận thức của người dân để họ chủ động tham gia.

Ngoài nhóm BHYT hộ gia đình, Luật BHYT năm 2014 cũng quy định nhóm được NSNN hỗ trợ đóng bao gồm: HSSV (được hỗ trợ đóng 30% mức đóng), hộ nông lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (được hỗ trợ 30%); hộ cận nghèo (được hỗ trợ 70%).

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ đóng nhưng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm nói trên không phải lúc nào cũng đạt 100%. Nhất là với người thuộc hộ gia đình cận nghèo, việc bỏ ra 30% mức đóng còn lại nhiều khi cũng rất khó khăn so với mức thu nhập hằng tháng. Các nhóm HSSV, hộ gia đình nông lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình cũng vậy, tỷ lệ tham gia trên thực tế cũng chưa thực sự được như mong muốn.

Do chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số nước ta, nên để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân, ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực tuyên truyền vận động để đảm bảo gia tăng BHYT hộ gia đình cũng như với các nhóm thuộc diện được NSNN hỗ trợ đóng nói trên (gọi chung là nhóm BHYT tự đóng).

Tại các địa phương, trong các năm qua, cơ quan BHXH luôn cố gắng phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế hỗ trợ BHYT với các nhóm tự đóng, tập trung vào nhóm được NSNN hỗ trợ đóng một phần như: hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, HSSV… Cùng với các mức hỗ trợ từ NSNN theo quy định của Luật BHYT, cơ quan BHXH đã linh hoạt tham mưu, cố gắng huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, đảm bảo các nhóm này tham gia BHYT với mức đóng thấp nhất hoặc thậm chí là được cấp BHYT miễn phí (chủ yếu với hộ cận nghèo).

Theo thống kê đến năm 2024, đã có 63/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân tham gia BHYT theo các tỷ lệ khác nhau. Một số địa phương còn hỗ trợ 100% mức đóng với các nhóm đặc thù như người từ 60-79 tuổi (Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên) hoặc hỗ trợ nhóm hộ nghèo/cận nghèo trong những năm đầu mới thoát nghèo…

Tính đến hết năm 2024, số người tự đóng một phần và toàn phần do ngành BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động liên tục, bền bỉ trong suốt thời gian qua là 48,2 triệu người, chiếm khoảng 47,6% dân số, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2016, trước khi BCH Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Con số này đóng góp rất lớn vào kết quả thực hiện BHYT của cả năm 2024, với 95,55 triệu người tham gia, tăng 2% (1,9 triệu người) so với năm 2023, đạt tỷ lệ bao phủ 94,29% dân số.

Cần nói thêm rằng, năm 2009- năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT 2008, số tham gia BHYT tự đóng chỉ có khoảng 15,34 triệu người, trong đó, số BHYT tự nguyện (được gọi là BHYT hộ gia đình sau này) chỉ có 3,76 triệu người. Xu hướng chung, số người được NSNN đóng và hỗ trợ đóng sẽ dần giảm đi do sự thay đổi về các quy định hỗ trợ; điều kiện kinh tế- xã hội phát triển, số người nghèo giảm dần; số lượng người có công cũng dần ít hơn… Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thường được thực hiện theo giai đoạn từ 2-5 năm. Chính vì vậy, để đảm bảo tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân bền vững, ngành BHXH Việt Nam phải rất nỗ lực để tăng số tham gia BHYT hộ gia đình. Thực tế là so với năm 2009, số tham gia BHYT hộ gia đình đã tăng gấp 8 lần, hiện đạt gần 25 triệu người tham gia.

Trở lại với câu chuyện của anh B. đã nêu ở trên. Do tính chất đặc thù của BHYT, theo cơ chế đóng- hưởng theo thời hạn từng năm (12 tháng), nghĩa là phải tham gia mới được hưởng quyền lợi. Vậy nên, việc vô tình quên hay xem thường việc gia hạn BHYT sẽ dẫn đến hậu quả là không được thanh toán chi phí KCB, rủi ro là không hề nhỏ.

Bởi vậy, yêu cầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHYT là vô cùng quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và bền bỉ.

Bài: Lê Công Đồ họa: Thanh An