Tương tác của cơ quan BHXH Việt Nam và người dân có sự lan tỏa rất lớn
26/12/2022 10:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhận thức được vấn đề này, ngay khi khởi động Đề án 06, BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật theo kế hoạch của Đề án 06.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ về kết quả sau một năm triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Kết nối, đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam đang quản lý cơ sở dữ liệu của trên 98 triệu dân và hộ gia đình; kết nối trực tuyến với 13.000 cơ sở KCB, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ hằng năm. Trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT. Vì vậy, việc kết nối, đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng thời, có thể khẳng định, CSDL về bảo hiểm và tương tác của cơ quan BHXH Việt Nam với hầu hết người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đã hoàn tất kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư với trên 71 triệu nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư trên tổng số 85,4 triệu người tham gia. Hiện tại, BHXH Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để tiến tới đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu. Đây vừa là một cơ sở, tiền đề rất quan trọng để chuẩn hóa dữ liệu hai Ngành phục vụ cho quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.
Đồng thời, hoàn thành việc sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) để người dân đi KCB BHYT. Kết quả có 12.024 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỷ lệ gần 94%), với gần 9 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ KCB. Đồng thời, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã tích hợp thông tin người tham gia BHYT trên ứng dụng VNEID để người dân cũng có thể sử dụng để đi KCB.
BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp hoàn thành cung cấp các DVC trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06. Trong đó, tích hợp, cung cấp dịch vụ gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng từ tháng 7/2022. “Nếu chỉ 50% số người tham gia BHYT theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì tiết kiệm được chi phí tuân TTHC cho người dân, xã hội hằng năm rất lớn, vào khoảng hơn 850 tỷ đồng và dự tính còn tăng”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Đồng thời, đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, ban hành DVC trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử. Trước đây người dân phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm để nộp tờ khai kèm sổ BHXH; hiện nay thì chỉ cần lập tờ khai trên Cổng DVC quốc gia, sau đó tự động chuyển BHXH Việt Nam xác thực và cấp bản điện tử xác nhận quá trình tham gia BH thất nghiệp để Trung tâm DVVL- Sở LĐ-TB&XH ra quyết định và BHXH Việt Nam chi trả tự động, cấp thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam cũng đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ triển khai 2 nhóm DVC liên thông (Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí). Từ 21/11/2022, BHXH Việt Nam đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai làm điểm tại 2 địa phương là TP.Hà Nội và Hà Nam. Tính đến nay, thông qua 2 nhóm DVC liên thông này, BHXH TP.Hà Nội và BHXH tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.000 lượt hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng phí.
Trong phối hợp triển khai Sổ sức khỏe điện tử, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an tham gia xây dựng, ban hành Quyết định số 3074/QĐ-BYT về việc quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc CSDL quốc gia về bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP(là CSDL của Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam là đơn vị chủ quản) phục vụ việc triển khai Sổ Sức khỏe điện tử. Thực hiện nâng cấp hệ thống, bổ sung việc cung cấp các hàm (API) để các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT có thể gửi dữ liệu KCB về CSDL quốc gia về bảo hiểm; thống nhất phương án triển khai cung cấp, tích hợp dữ liệu KCB từ CSDL quốc gia về bảo hiểm trên ứng dụng VNEID.
Thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Theo đó, BHXH Việt Nam đã nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể, bổ sung chức năng cho phép cơ sở y tế đăng ký tài khoản, đăng ký chữ ký số để phục vụ việc gửi dữ liệu khám sức khỏe lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Bổ sung chức năng để Bộ Y tế/Sở Y tế (cơ quan chủ quản cơ sở y tế) phê duyệt đăng ký cấp tài khoản cho cơ sở y tế. Bổ sung hàm gửi dữ liệu khám sức khỏe để phần mềm của cơ sở y tế kết nối với Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT thông qua dịch vụ web (API).
Triển khai tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và thí điểm tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và TP.Hà Nội; triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa (Hà Nội).
“Quá trình thử nghiệm đã mang lại hiệu quả rất tích cực, được cán bộ trong ngành BHXH Việt Nam đánh giá cao về tính khả thi trong ngăn ngừa trục lợi chính sách BHXH, BHYT và thêm tiện ích cho người dân để qua đó phòng ngừa và phát hiện trục lợi. Vừa qua, thông qua kiểm tra thông tin sinh trắc (dùng thiết bị đối chiếu vân tay lưu trong chip của CCCD và vân tay của người đến làm thủ tục) tại Bộ phận “Một cửa” của Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương đã phát hiện trường hợp sử dụng CCCD giả đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần mà nếu dùng mắt thường thì không thể nhận biết được. Hiện nay, cơ quan BHXH đã thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra tại địa phương và đang phối hợp với cơ quan Công an để điều tra, xử lý”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, trong quá trình triển khai thí điểm, BHXH Việt Nam ghi nhận một số vướng mắc và đề xuất một số nội dung phục vụ mở rộng triển khai tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc. Theo đó, tại cơ sở KCB BHYT: Các cơ sở KCB cần trang bị đầu đọc sinh trắc và mở rộng các ứng dụng liên quan (BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật để triển khai).
Tại các bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH địa phương, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng và đang đưa vào kế hoạch trang bị đầu đọc CCCD gắn chip tích hợp sinh trắc trong năm 2023. Dự kiến sau 31/12/2022, BHXH Việt Nam sẽ tổng kết quá trình thí điểm và sẽ báo cáo, đề xuất phương án cụ thể.
Để triển khai tại các cơ sở KCB, Bộ Y tế cần có văn bản, hướng dẫn cơ sở KCB trong việc xác thực, sử dụng thông tin sinh trắc trên CCCD khi tiếp nhận bệnh nhân.
Bộ TT-TT ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị đọc sinh trắc CCCD và lưu trữ lịch sử truy vấn thông tin sinh trắc.
Bộ Công an phối hợp với Bộ TT-TT và BHXH Việt Nam nghiên cứu để cải thiện tốc độ xác thực sinh trắc. Hiện tại thời gian cho một lần xác thực thông tin CCCD từ cơ sở KCB BHYT hoặc từ cơ quan BHXH đến dữ liệu dân cư là khá chậm (trung bình là khoảng 7- 15 giây/lần xác thực). Với lượng bệnh nhân vào bộ phận tiếp đón của các bệnh viện lớn thì tốc độ này phải cải thiện mới đáp ứng được yêu cầu.
“BHXH Việt Nam tin tưởng với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng hành của Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, chúng ta sẽ sớm đạt được các mục tiêu được đề ra trong Đề án 06”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng.
Thủy Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?