BHYT- san sẻ gánh nặng với bệnh nhân lao

27/12/2022 07:28 AM


Việc cấp thuốc lao bằng nguồn quỹ BHYT không chỉ xóa tan gánh nặng tài chính đối với bệnh nhân, mà còn thể hiện sự nhân văn của chính sách, qua đó nâng cao giá trị của tấm thẻ BHYT.

Theo thống kê, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những “chi phí thảm họa”- nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình.

Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động; khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Từ tháng 7/2022, thuốc chống lao từ nguồn quỹ BHYT được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Sau 4 tháng triển khai, việc cấp thuốc lao bằng nguồn quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn của chính sách và nâng cao giá trị của tấm thẻ BHYT. Như vậy, từ bây giờ, người bệnh có thể sử dụng thẻ BHYT để vừa đi khám bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao mà các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước.

Người bệnh lao đa số thuộc diện nghèo, không thể tự trang trải chi phí điều trị, nên họ có động lực tham gia BHYT. “Các nhà tài trợ đang chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh mua thuốc lao thành hỗ trợ mua thẻ BHYT, trong một số năm đầu người bệnh chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, viện trợ hoặc từ ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT. Như vậy, việc này sẽ xóa tan đi nỗi lo gánh nặng bệnh lao bấy lâu nay”- PGS-TS.Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết.

Hiện chi phí điều trị bệnh lao đã được quỹ BHYT chi trả, trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT. Thực tế cho thấy, COVID-19 khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên, nên tỷ lệ điều trị khỏi lao và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao quốc gia (90%). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ NSNN sang BHYT đã bắt đầu được triển khai, nhưng nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được hỗ trợ tháo gỡ.

Theo đánh giá, về TTHC cũng như dòng kinh phí thanh toán đối với thuốc chống lao sẽ không có vấn đề gì phát sinh, bởi tất cả các cơ sở KCB đều đã liên thông dữ liệu, việc thay thế hay bổ sung các gói thuốc chỉ là thêm một thao tác bổ sung vào danh mục và chỉ định cho người bệnh. Cơ sở KCB từ trước đến nay vẫn phải lập báo cáo để tổng hợp quyết toán nên sẽ không phát sinh chứng từ, thủ tục. Người bệnh thậm chí còn thuận lợi hơn, vì trước đây có thể họ phải đi lĩnh thuốc từ 2 nguồn (thuốc BHYT ở một quầy và thuốc ngân sách ở một quầy), thì nay chỉ cần đến một quầy thuốc.

 

Trung tâm thông tin BHXH Việt Nam