Xây dựng kế hoạch, giải pháp quyết liệt triển khai nhiệm vụ

02/03/2023 08:56 AM


Sáng 1/3, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 3/2023. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2023 đã trôi qua được 2 tháng, đối với ngành BHXH Việt Nam thời gian vô cùng quý giá, đặc biệt, trong bối cảnh nhiệm vụ của Ngành nặng nề, nhiều thách thức. Chính vì vậy, Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại những kết quả trong tổ chức thực hiện trong 2 tháng đầu năm, cũng như khó khăn, thách thức, đặc biệt dự báo năm 2023, trên cơ sở có giải pháp, kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp những tháng tiếp theo. “Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến cấp huyện, nhằm đôn đốc địa phương tập trung vào công việc, tranh thủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ được giao”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, cùng với những kết quả đạt được trong thực thi nhiệm vụ toàn Ngành 2 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ những tháng tiếp theo, các đại biểu sẽ nghe chia sẻ về những ứng dụng mới, tác động và ứng xử của Ngành đối với công nghệ mới; ứng dụng bước đầu về trí tuệ nhân tạo AI trong công tác giám định BHYT của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua.

Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành 2 tháng đầu năm 2023, ông Đinh Mai Long- Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 2/2023, toàn quốc có trên 17,427 triệu người tham gia BHXH, tăng trên 1.068 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,968 triệu người, tăng 863,4 nghìn người so với cùng kì năm 2022. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia BH thất nghiệp là 14,26 triệu người; tăng 855 nghìn người so với cùng kì năm 2022. Số người tham gia BHYT là 90,474 triệu người; tăng 5,654 triệu người so với cùng kì năm 2022. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 đạt 57.805 tỷ đồng; tăng 3.059 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022…

Giới thiệu về Chat GPT- công cụ trí tuệ nhân tạo đang gây sốt toàn cầu, tác động và ứng dụng trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, Chat GPT hoạt động trên cơ sở tiếp nhận các phản hồi, đánh giá đúng sai của người dùng; chủ động phân loại, lựa chọn thông tin từ các tài liệu phù hợp trong kho dữ liệu có sẵn… Đánh giá Chat GPT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, có thể sử dụng Chat GPT để mở rộng dịch vụ đến từng đối tượng khách hàng mới, tạo thuận lợi trong quá trình đăng ký tham gia; sử dụng trả lời các câu hỏi về tính toán điều kiện, quyền lợi và các chủ đề liên quan về BHXH, BHYT. Trong tương lai Chat GPT có thể tách các công nghệ và kết hợp với các công nghệ khác để tạo ra các ứng dụng chuyên sâu quản lý BHXH, BHYT.

Trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kế hoạch ứng dụng trong hoạt động giám định BHYT thời gian tới, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và TTĐT cho biết, AI đã được nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực ứng dụng vào các hoạt động an sinh, trong đó thực hiện chính sách BHYT, cấp thẻ, hỗ trợ người tham gia hưởng BHYT đối với người dân. Tại Việt Nam, từ năm 2017, ngành BHXH Việt Nam đã ứng dụng CNTT vào công tác giám định BHYT được trong nước và quốc tế đánh giá cao. “Hiện nay với lợi thế kho cơ sở dữ liệu KCB đồ sộ với hơn 15 tỷ bản ghi và tăng mới khoảng 2 tỷ bản ghi mỗi năm- việc ứng dụng AI vào hoạt động giám định cũng như KCB BHYT là thật sự cần thiết và ý nghĩa trong bắt kịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu”- ông Đức nói.

Ông Đức cho biết, từ tháng 11/2022, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT đã phối hợp cùng với CNTT nghiên cứu ứng dụng AI vào hoạt động KCB BHYT và hiện nay đang thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc học tại một số cơ sở KCB ở Hà Nội và Quảng Bình.

Tới đây, Trung tâm cũng sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, để ứng dụng hiệu quả AI vào trong hoạt động giám định như: xây dựng phác đồ điều trị; sử dụng thử nghiệm phương pháp gắn nhãn, lọc kết quả, hướng dẫn máy lọc các kết quả; sử dụng nhận diện ký tự quang học, ứng dụng AI để thẩm định, số hoá dữ liệu điện tử… để góp phần giảm tải áp lực trong công tác giám định.

Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đại diện BHXH một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, TP.HCM; Đà Nẵng… đã nêu các chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023. Đồng thời cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong năm 2023. Theo đó, 2 tháng đầu năm, hầu hết các địa phương đều có những tín hiệu tốt trong thực hiện các chỉ tiêu về công tác thu, phát triển người tham gia; về thực hiện chính sách BHYT, thanh tra, kiểm tra, chuyển đổi số…. Đồng thời, các địa phương cũng nêu cao tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, phối hợp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo tháng, quý và năm 2023.

Đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu được giao, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết, bên cạnh các địa phương đang có sự phát triển tích cực số người tham gia, vẫn còn một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu, tiến độ được giao. “Thời gian qua, công tác thu, phát triển người tham gia gặp khó khăn, thách thức đến từ chính sách, bối cảnh kinh tế-xã hội, đặc biệt những biến động về lao động, việc làm của NLĐ những tháng đầu năm… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Ngành, nhiều địa phương đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm mới trong thực hiện nhiệm vụ”- ông Hào nhận định.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, ông Hào đề nghị, BHXH các tỉnh, thành phố nhanh chóng xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia đến cấp huyện, phối hợp với Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT giao chỉ tiêu xuống đến từng xã, trên cơ sở đó triển khai nhiệm vụ linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Quyết liệt thực hiện việc rà soát, khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan cung cấp theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Lưu ý giải pháp xử lý đối với các khoản nợ BHXH, BHYT tồn đọng, kéo dài của DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành đột xuất về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đối với DN có tiền chậm nộp từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho NLĐ. Thực hiện các nội dung trọng tâm để tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2023.

Liên quan công tác KCB BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đề nghị BHXH các địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ sở KCB để giải quyết, xử lý triệt để vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, phối hợp, đồng hành cùng tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề thuốc, vật tư y tế, hoá chất tại các cơ sở KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đặc biệt, theo ông Phúc, các địa phương cần chú ý rà soát, kiểm soát, cân đối chi phí KCB BHYT ngay từ những tháng đầu năm, đảm bảo theo dự toán Chính phủ giao.

Phát biểu tại Hội nghị, các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Nguyễn Đức Hòa đã có đánh giá các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản của Ngành; đồng thời có những chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương theo từng lĩnh vực phụ trách.

Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường báo cáo, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể trong công tác thu, phát triển người tham gia để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; địa phương kịp thời nắm bắt khó khăn, có những kiến nghị kịp thời đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân tham gia BHYT.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường cũng có những đánh giá về công tác phối hợp giữa Hội đồng và BHXH Việt Nam thời gian qua; cũng như định hướng một số nội dung trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh, chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam cần được thực hiện đồng bộ, tổng thể; hướng đến chuyển đổi số toàn diện, xây dựng BHXH Việt Nam số. 

Về công tác phối hợp, góp ý sửa đổi các luật và quy định liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, ông Nguyễn Văn Cường đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp với Văn phòng HĐQL tham vấn ý kiến các Ủy viên Hội đồng để có thêm các ý kiến, góp ý chuyên sâu, để khi ban hành Luật sẽ đi vào cuộc sống. Dự báo tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 còn tiếp tục có nhiều khó khăn, tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành, BHXH Việt Nam cần chuẩn bị, xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, phù hợp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm. Theo đó, các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia đều tăng so với cùng kỳ năm trước; đồng thời khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của toàn Ngành trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, áp lực. “Kết quả đạt được đã thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, quyết liệt, vào cuộc ngay từ những ngày, tháng đầu tiên của năm mới với nhiều giải pháp cụ thể của toàn Ngành trong thực hiện nhiệm vụ”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc cũng cho rằng, các khó khăn, thách thức của năm 2023 vẫn còn nhiều, vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường; đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đối với các vấn đề đang được dư luận quan tâm như thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở KCB; giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN phá sản, giải thể, ngay từ đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các công văn này nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng dự báo, bám sát biến động của kinh tế - xã hội, thị trường lao động liên quan đến hoạt động của Ngành để có kế hoạch, kịch bản đi trước, hướng dẫn kịp thời, cụ thể cá nhân, tổ chức tham gia. Công tác truyền thông, vận động cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số cần tiếp tục tăng cường, để NLĐ chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng- hưởng, góp phần cũng các cơ quan chức năng phát hiện xử, lý các hành vi vi phạm. Về ứng dụng này, Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo Trung tâm CNTT, bổ sung thêm tính năng, tiện ích, thông tin để ngày càng thuận tiện, hữu ích hơn cho người sử dụng.

“Tăng cường nghiên cứu, đề xuất, phát huy lợi thế nguồn dữ liệu sẵn có, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành thời gian tới. Toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tránh tâm lý tự mãn, phải đi trước, đón đầu, hoàn thành nhanh, sớm các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quyết liệt, tích cực, trong triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tài chính; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ trong năm 2023.

Bích Thủy