Thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm số tiền chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp

11/03/2024 04:23 PM


Những tháng đầu năm 2024, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài và có chiều hướng gia tăng của hàng chục đơn vị, doanh nghiệp không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các cơ sở may xuất khẩu đầu năm gặp nhiều khó khăn

Đến đầu tháng 3/2024 số tiền chậm đóng phải thu là 229.964 triệu đồng, tăng 15,97% so cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 29.940 triệu đồng; tỷ lệ chậm đóng phải thu là 7,12%, cao hơn 1,67% so chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng BHXH Việt Nam giao quý I/2024 (giao 5,45%). Đáng lưu ý là hiện toàn tỉnh có 365 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 16.370 triệu đồng chiếm 7,2% trên tổng số tiền chậm đóng, số tiền này không có khả năng thu hồi, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Qua rà soát, đã xác định 278 đơn vị đã ngừng giao dịch với cơ quan BHXH. Những đơn vị này hoạt động thua lỗ, giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản, đóng mã số thuế, với số tiền chậm đóng hơn 2.780 triệu đồng.

Nguyên nhân số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tăng cao là do các doanh nghiệp phục hồi chậm, nguồn lực tài chính ưu tiên phục hồi hoạt động sản xuất sau đại dịch Covid - 19 còn hạn chế; tình hình kinh doanh khó khăn do thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, để tiền chậm đóng kéo dài (trong đó, chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 95.615 triệu đồng, chiếm 41,6% trên tổng số tiền chậm đóng). Có nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm; các đơn vị này tuy đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xem xét… nhưng vẫn chưa khắc phục (trong đó có 15 đơn vị chậm đóng từ 01 đến trên 9 tỷ đồng/đơn vị với tổng số tiền trên 65 tỷ đồng) đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người lao động. Mặt khác, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm. Nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của ngành may mặc, giày da, thủy sản, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng… đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng nên các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hoặc giải thể, phá sản; tạm ngừng hoạt động. Một nguyên nhân khác nữa là một số chủ sử dụng lao động chưa có ý thức chấp hành luật BHXH, cố ý trốn đóng, chây ỳ hoặc sử dụng tiền bảo hiểm để làm chuyện khác…

Để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp, cơ quan BHXH đã phối hợp với các địa phương, ngành hữu quan tăng cường các biện pháp như: Phân công cán bộ thu chuyên quản đơn vị thường xuyên đối chiếu, đôn đốc trực tiếp các đơn vị thực hiện trích nộp tiền BHXH, BHYT. Các tổ công tác trực tiếp đến làm việc tại đơn vị chậm đóng tiền để nắm bắt tình hình hoạt động và đôn đốc đơn vị nộp tiền theo quy định. Kiểm tra hồ sơ đóng BHXH, BHYT, BHTN (hậu kiểm) tại gần 400 đơn vị sử dụng lao động; gửi thông báo kết quả đóng BHXH tới 4.220 đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại 10 đơn vị. Qua thanh tra đã yêu cầu các đơn vị khắc phục tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT hơn 24.463 triệu đồng (trong đó số tiền chậm đóng năm 2023 chuyển sang 24.159 triệu đồng). Yêu cầu đơn vị truy đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 06 lao động, tổng số tiền truy đóng phải thu là 616 triệu đồng (số tiền truy đóng của năm 2023 chuyển sang 551 triệu đồng). Ban hành 10 kết luận thanh tra, kiểm tra, 19 văn bản đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Mặt khác, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đóng BHXH.  

Việc tăng cường các biện pháp nói trên nhằm giảm thiểu tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội.

L. THANH