Chất lượng khám chữa bệnh góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

20/08/2024 01:50 PM


Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) là giải pháp quan trọng thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân. Vì vậy, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội triển khai các giải pháp, cải tiến quy trình, thủ tục KCB BHYT, không ngừng thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Nhân viên tận tình hướng dẫn người dân đến khám chữa bệnh BHYT

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả KCB BHYT, trong những năm qua mạng lưới KCB ở các tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục được củng cố, ổn định và phát triển, nhất là tuyến y tế cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 125 cơ sở y tế nhà nước và 03 bệnh viện tư nhân; 07 phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện KCB BHYT (Trong đó: 04 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; 03 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 10 Trung tâm Y tế tuyến huyện; 94 Trạm Y tế xã và 12 Phòng khám đa khoa khu vực; 10 cơ sở y tế tư nhân; 01 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và 01 Bệnh xá Công an tỉnh).

Có thể nói, lĩnh vực y tế tư nhân phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế. Sự tham gia của y tế tư nhân trong KCB BHYT là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (hiện có 10 cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT, chiếm tỷ lệ 7,4%). Thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tăng cường y tế cơ sở trong KCB BHYT, triển khai việc KCB BHYT cho những người đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn; kịp thời phối hợp với cán bộ y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT trong việc khám, điều trị bệnh và thanh toán chi phí theo quy định. Cùng với sự gia tăng người tham gia và nhu cầu KCB BHYT trên địa bàn, ngành Y tế và BHXH đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng KCB bằng cách cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà trong đón tiếp, KCB và thanh toán viện phí với người bệnh BHYT; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; đầu tư nhân lực và các trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu KCB và thu hút người dân tham gia BHYT.

Ngay từ đầu năm, các cơ sở y tế thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH và phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH đảm bảo cho người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định. Mặt khác, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia được chuyển tuyến khi ở địa bàn giáp ranh với các cơ sở KCB của huyện, thị xã khác hoặc giáp ranh với các cơ sở KCB ngoại tỉnh. Qua đó, giúp cho người tham gia BHYT sinh sống, làm việc trên địa bàn giáp ranh được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHYT theo quy định. Các cơ sở y tế cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT. Hầu hết các cơ sở y tế đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc; công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, triển khai áp dụng CNTT trong KCB như dùng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID, CCCD gắn chip. Đồng thời, triển khai đường dây nóng để xử lý các vướng mắc và giải quyết các chế độ cho người dân, nhằm tạo niềm tin khi tham gia BHYT… Việc mở rộng và nâng cao chất lượng KCB BHYT đã góp phần gia tăng số người tham gia BHYT và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Đến đầu tháng 8/2024 toàn tỉnh có 1.073.255 người tham gia BHYT đạt 92,1% kế hoạch năm; tăng 7.882 người (0,74%) so với tháng trước; tăng 15.724 người (1,49%) so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,28% dân số. Như vậy, từ nay đến cuối năm còn thực hiện 1,27% nữa sẽ đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2024 (93,55%) Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, công tác KCB cho người có thẻ BHYT vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tình trạng thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên khoa sâu, nhất là ở tuyến tỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân. Trang thiết bị y tế mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là tuyến y tế cơ sở. Từ đó, việc tiếp nhận, triển khai ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu tại một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.                                                             

L. THANH