Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ
19/02/2025 07:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 18/02/2025, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; số thành viên của Ủy ban TVQH khóa XV (sửa đổi); công tác nhân sự.
Theo đó, trong buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban TVQH Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp riêng nghe: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày 02 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, gồm: Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua 02 Nghị quyết này bằng hình thức biểu quyết điện tử. Cụ thể:
Đối với Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97.70% tổng số ĐBQH); có 465 đại biểu tán thành (bằng 97.28% tổng số ĐBQH); có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0.42% tổng số ĐBQH). Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV gồm 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ. Cụ thể là: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua và thay thế Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2025.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết số 08/2021/QH15 của Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến hết ngày 28/2/2025.
Đối với Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.10% tổng số ĐBQH); có 444 đại biểu tán thành (bằng 92.89% tổng số ĐBQH); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21% tổng số ĐBQH). Theo đó, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 25 thành viên: Thủ tướng Chính phủ; 7 Phó Thủ tướng Chính phủ; 14 Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Dân tộc và Tôn giáo. 3 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết số 20/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 143/2024/QH15 ngày 26/8/2024 của Quốc hội về bổ sung số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hết hiệu lực từ khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Cũng trong buổi sáng 18/2, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban TVQH khóa XV; Việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XV; Việc phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XV đối với bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng để nhận nhiệm vụ thường trực Tiểu ban Kinh tế- Xã hội Đại hội XIV của Đảng; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Huỳnh Thành Đạt...
Trong chiều 18/2, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban TVQH Nguyễn Thanh Hải báo cáo về việc giải trình tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Đoàn về việc bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Minh Hoan và ông Vũ Hồng Thanh; bầu Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XV đối với ông Phan Văn Mãi; bầu Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khóa XV gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đối với ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đối với ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đối với ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội đối với ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đối với bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đối với ông Dương Thanh Bình; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng và các Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đối với ông Đào Ngọc Dung. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XV.
Đối với Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV: có 461 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96.44% tổng số ĐBQH); có 461 đại biểu tán thành (bằng 96.44% tổng số ĐBQH).
Đối với Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XV có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.31% tổng số ĐBQH); có 446 đại biểu tán thành (bằng 93.31% tổng số ĐBQH).
Đối với Nghị quyết bầu Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XV: có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.51% tổng số ĐBQH); có 447 đại biểu tán thành (bằng 93.51% tổng số ĐBQH).
Đối với Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.72% tổng số ĐBQH); có 448 đại biểu tán thành (bằng 93.72% tổng số ĐBQH).
Đối với Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021- 2026 có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.61% tổng số ĐBQH); có 456 đại biểu tán thành (bằng 95.40 % tổng số ĐBQH); có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?